Wednesday, May 18, 2011

HÚNG QUẾ

Bữa cơm cuối tuần, bạn muốn thay đổi không khí cho cả nhà bằng món cuốn hấp dẫn với nhiều rau xanh, rau thơm, một ít thịt luộc, tôm. Trải bánh tráng ra, bạn cho lên đó rau xà-lách, bún, thịt… và không quên rải thêm vài lá rau tía tô, húng quế rồi cuộn lại. Bữa ăn đơn giản mà thật ngon miệng.
Nhiều người cho rằng, nếu gỏi cuốn thiếu hương vị cay cay, thơm nồng của húng quế, dường như đã mất đi một phần ngon. Rau gia vị này còn không thể thiếu trong nhiều món ăn quen thuộc của gia đình bạn như phở, ti
ết canh, dồi trường, gỏi vịt…

Bạn có tò mò, tự hỏi: Vì sao húng quế được ưa chuộng đến thế? Lương y Đinh Công Bản, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP. HCM, bật mí: “Điều đó có thể bắt nguồn từ tác dụng chữa bệnh rất đa dạng của nó”.

Húng quế còn có nhiều tên gọi khác như húng giổi, húng chó, rau é, é quế. Vị cay, hơi hắc có do húng quế có chứa nhiều tinh dầu.

Theo sách Từ điển cây thuốc Việt Nam, tiến sỹ Võ Văn Chi cho biết: Toàn cây chứa tinh dầu (0,02-0,08%), có hàm lượng cao nhất lúc cây đã ra hoa.
Tinh dầu húng quế có chứa chất chống ô-xy hóa mạnh có thể làm chậm quá trình lão hóa. Chúng còn giúp phòng một số bệnh ung thư, ngăn ngừa sự phát triển của một số vi khuẩn gây bệnh, chống viêm.

Ngoài ra, tinh dầu này còn có khả năng bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các yếu tố độc hại từ môi trường, thư giãn tinh thần, chống stress, trầm cảm và là một liệu pháp dưỡng da, dưỡng ẩm cho tóc.


Theo Đông y, vị cay, mùi thơm, tính ấm của húng quế có tác dụng kích thích s
ự hấp thụ, làm ra mồ hôi, lợi tiểu, mát máu, giảm đau. Cành lá húng quế được dùng trị sổ mũi, đau đầu, đau dạ dày, đầy bụng, kém tiêu hóa, viêm ruột, tiêu chảy. Nó còn dùng để chữa kinh nguyệt không đều, làm giảm các chấn thương bầm giập, thấp khớp, tạng khớp. Mỗi ngày, bạn chỉ cần dùng 10-15g cây khô, sắc lấy nước để uống. Lá tươi giã ra, đắp ngoài hoặc nấu nước rửa, trị rắn cắn, sâu bọ đốt, eczema, viêm da.

Nếu sau khi sinh, người mẹ không đủ sữa cho con bú, có thể lấy lá húng quế sắc nước uống, ngày dùng 2 ly. Lá húng quế có tác dụng kích thích tạo sữa rất tốt.

Nếu có cảm giác mệt mỏi, chán ăn sau ngày làm việc căng thẳng, bạn lấy lá húng quế ngâm vào nước sôi khoảng 10 phút để uống. Nếu khó uống, bạn có thể cho thêm mộ
t ít mật ong. Hơi thở của bạn sẽ thơm tho hơn nếu chịu khó nhai sống lá húng quế.

Với hoa húng quế, bạn nên thu hoạch, phơi khô để dùng khi cần. Hoa tốt cho những người bị bệnh thần kinh, trẻ em ít ngủ, người lớn bị đau đầu, chóng mặt, đau bụng, viêm họng và ho, trẻ em ho gà. Cách đơn giản là bạn hãm một ít lá và hoa khô để lấy nước uống, mỗi ngày uống 3 ly.


Quả húng quế (Fructus Ocimi, thường gọi là hạt é) ăn để trị đau mắt đỏ, mờ đục giác mạc.


Lá, hoa, quả, hạt húng quế kết hợp với nhau là cách tốt nhất để chữa mẩn ngứa, dị ứng. Bạn chỉ cần giã nhỏ, lấy nước uống và lấy bã xát lên chỗ đau.

Ngoài ra, húng quế còn được nấu nước súc miệng và ngậm để chữa đau răng, sâu răng. Ngày dùng 10-25g lá tươi hoặc khô đều được…


Với những loại rau gia vị, bạn nên ăn sống. Khi chế biến các món như bò xào húng quế, nghêu xào húng quế… bạn nên cho vào khi gần bắc ra khỏi bếp để rau không chín quá, mất hết mùi vị đặc trưng.


Không chỉ là gia vị, cây thuốc gần gũi với cuộc sống, húng quế cũng là một “kẻ thù” của côn trùng. Để đuổi muỗi, bạn có thể trồng húng quế xung quanh nhà.
Nếu trong nhà nhiều muỗi, bạn lấy vài lá húng quế, đốt trên lửa. Mùi hương này sẽ khiến muỗi nhanh chóng rút lui.