Tuesday, July 12, 2011

SÚP CUA MĂNG TÂY

[FM] thích súp chả có gì bàn cãi nữa. Cái chất sền sệt ấy dù rằng lúc ăn thường tự giễu mình đang thưởng thức nước mũi :W nhưng chưa lần nào mà không vét sạch chén. Ngày xưa còn đi học ấy, tớ thường được dẫn đi ăn súp óc heo. Chà! Tớ tham lắm! Lần nào cũng thò muỗng qua chôm óc heo của ông bạn đi cùng. Đến mức ổng thấy tội tội, tặng luôn mình trứng cút trong chén ổng. :P

Nguyên liệu:


-1 cốc nước gà dùng to
- 300g thịt cua

- 270g măng tây đóng hộp
- 430g bắp hạt

- 4 muỗng canh bột bắp
- 1 muỗng canh dầu mè
- 2 quả trứng gà

- ½ muỗng cà phê hạt tiêu trắng
- ½ muỗng cà phê muối

Cách làm:


- Đun sôi nước dùng trong một nồi nhỏ, cho thịt cua, ngô và măng tây vào. Nấu trên lửa vừa trong vòng 15 phút cho đến khi sôi một lần nữa.

- Bột bắp và nước lọc khuấy cho tan đều.
- Tắt bếp và nhanh chóng đảo cùng với trứng đã đánh nhẹ tay.
(lúc cho trứng vào phải cho thật chậm cho dòng chảy của trứng chảy vào nồi từng chút một như vậy trứng mới thành vân đẹp mắt)
- Trên lửa nhỏ, cho thêm hỗn hợp bột vào, kèm với dầu mè và hạt tiêu, muối.

- Đun nhỏ lửa trong vài phút cho đến khi súp đặc sánh lại thì tắt bếp.
From Eva.vn

CỦ SEN KẸP THỊT

Nguyên liệu:

- 2 đến 3 củ sen (tuỳ lớn nhỏ)
- 250g thịt heo xay
- 2 chiếc nấm đông cô tươi
- 2 nhánh hành lá
- 100g bột năng
- 1 mẩu gừng, băm thật nhỏ.

Nước sốt:
- 80ml nước lọc
- 2 muỗng canh nước tương
- 1 muỗng canh đường
- 1 muỗng canh nước ép táo
- 1/2 muỗng canh bột năng hòa tan trong 1 muỗng canh nước lọc.

Cách làm:

- Làm sạch củ sen, thái khoanh dày khoảng 1/2cm, luộc chín rồi đổ ra rổ, để ráo.

- Hành lá rửa sạch, cắt rễ, xắt nhỏ. Nấm đông cô rửa sạch, bỏ gốc, thái hạt lựu.

- Trộn đều thịt heo xay với hành lá, nấm đông cô và gừng bào.

- Đặt 1 lát củ sen lên thớt, múc khoảng 1 thìa cà phê phần thịt bạn có được ở bước 2 lên rồi dùng một miếng củ sen khác úp lên thịt. Dùng tay ấn nhẹ cho củ sen và thịt có độ kết dính. Làm lần lượt cho tới khi hết chỗ củ sen và thịt.

- Nhúng những miếng củ sen kẹp thịt vào bột năng, rũ bỏ bột thừa.

- Làm nóng dầu trên chảo với lửa vừa - nhỏ.

- Thả củ sen vào chiên nhỏ lửa để thịt bên trong được chín kỹ.

- Trong khi chiên củ sen, bạn chế biến phần nước sốt bằng cách cho tất cả các nguyên liệu của phần này vào chảo, đun với lửa vừa đến khi sốt sệt lại thì bạn nêm nếm lại cho vừa miệng và tắt bếp, để riêng.

- Khi củ sen chín, bạn gắp ra đĩa đã lót sẵn giấy thấm dầu, để cho bớt dầu rồi mới bày lên đĩa ăn, rưới nước sốt ăn kèm.

**Củ sen giòn, ngọt với phần nhân thịt thơm ngon bên trong và nước sốt sánh quyện hấp dẫn phải biết đấy! Chẳng hiểu sao tớ rất mê những món gì kẹp kẹp, cuốn cuốn! Ăn ngon thì khỏi phải nói rồi được cái nhìn cũng rất có ý nghĩa nữa. Trên đời bất cứ gì cũng cần phải kết hợp lại mới có thứ ngon nhất, tuyệt nhất. Chẳng có gì có thể không không khơi khơi mà hấp dẫn cả, phải không bạn của tớ? :P

BÁNH RAU CHIÊN

Tớ vô tình thấy món này trên mạng. Đặc biệt những lúc bụng trống rỗng thế này thì đầu tớ trở nên hơi thèm thuồng những món dầu mỡ giòn giòn. Nếu 1 có ngày trời mưa tầm tã, nhà tớ có ai đó có nhu cầu nhai nhóp nhép mấy món ngồ ngộ thế này, tớ sẽ ra tay ngay. Chứ hiện tại thì cân nặng tớ không cho phép... Ư ư ư!!! :'((

Thành phần

- 5 củ hành tím
- 3 củ tỏi
- ½ muỗng súp hạt tiêu trắng xay nhuyễn

- ½ muỗng cà phê hạt rau mùi

- ½ muỗng súp muối
- ½ muỗng cà phê đường

- 150g bắp cải cắt nhỏ
- 1 củ cà rốt cắt nhỏ dài

- 50g đậu đũa cắt nhỏ

- 70g hành tây xắt nhỏ
- 150g giá

- 3 quả ớt băm nhỏ
- 2 quả trứng
- 150g bột mì
- 50g tinh bột mì
- 20g bột gạo

- 1 li nước lọc
- Dầu ăn


Cách làm:


- Xay tỏi, hành, hạt
tiêu trắng, hạt rau mùi, muối và đường trong máy xay hoặc cối giã để cho mịn.
- Kết hợp bắp cải, cà rốt, đậu, giá, ớt trong 1 cái tô lớn.

- Thêm bột mì, trứng, bột gạo, tinh bột sắn vào cùng với hỗn hợp đã xay vào trộn đều.

- Từ từ đổ nước vào tô và khuấy liên tục cho đến khi trộn đều.

- Đun nóng dầu trong chảo.

- Cho hỗn hợp bột trộn vào chảo. Cho hỗn hợp vào rán (3 muỗng một) cho đến khi vàng nâu cả hai mặt. Nhớ là san đều hỗn hợp cho dẹt để nhanh chín, chiên khoảng 2 phút là vừa.

- Vớt bánh ra để ráo dầu.
From Eva

** Theo tớ món này ngon nhất là cuộn rau sống chấm nước mắm chua ngọt hoặc không cần rau chỉ cần chấm tương xí muội, hoặc tương ớt, tương cà... Nhưng nếu đã nêm vừa miệng, bánh này bạn vẫn có thể ăn chơi không chấm gì thêm cũng vẫn ngon lành. Chúc bạn ngon miệng nhé! :)

SƯỜN NON NẤU CÙI SẦU RIÊNG

Nguyên liệu:

- 300g sườn non

- 1 vỏ quả sầu riêng

- Gia vị: hạt nêm, đường, nước mắm, tiêu, ...

- Hành lá.

Cách làm:

- Sườn rửa sạch, cho ít nước xâm xấp vào đun sôi sau đó đổ bỏ nước cho sạch và hết hôi. Tiếp tục cho nước vừa đủ dùng vào, đun tới khi sôi thì vặn nhỏ lửa, ninh cho sườn được mềm, nước ngọt và trong.

- Sầu riêng sau khi ăn hết phần thịt bên trong, dùng dao tách lấy phần cùi trắng, bỏ lớp vỏ sần sùi bên ngoài.

- Cắt cùi sầu riêng thành những miếng nhỏ.

- Thả cùi sầu riêng vào nồi sườn, đun cùng đến khi cả hai cùng chín nhừ.

- Nêm nếm gia vị cho món canh vừa với khẩu vị của bạn. Rắc thêm ít hành lá khi ăn để món canh trông bắt mắt.

Lưu ý này!

- Với món canh cùi sầu riêng, không nên cho thêm bất cứ nguyên liệu hay hương liệu gì bởi như vậy sẽ làm loãng mùi thơm đặc trưng.

- Sầu riêng được coi là "vua trái cây miền nhiệt đới" có hương vị không thể lẫn. Thịt sầu riêng có chứa vitamin B1, vitamin B2, vitamin C và canxi, sắt, magiê, phốt pho, kẽm cùng các khoáng chất phong phú. Sầu riêng còn rất giàu chất xơ, giúp tiêu hóa tốt.

- Với cùi sầu riêng có thể tận dụng để nấu canh sườn, tôm khô… có tác dụng chống viêm, bổ máu, bổ âm đặc biệt giải nhiệt rất tốt trong mùa hè.

Monday, July 11, 2011

CÀ RI / CURRY

Cà ri là món ăn truyền thống, nổi tiếng trong ẩm thực Ấn Độ và một số nước ở phía Bắc Ấn như Nepal. Đây là món ăn được nấu, hầm cho nguyên liệu chín mềm.
Các món ăn Thái Lan và một số nước ở vùng Nam Á như Malaysia cũng thường sử dụng loại gia vị bột cà ri nhằm tạo hương vị đặc trưng của món. Món ăn cà ri có đặc trưng về mùi của hỗn hợp gia vị như hoa hồi, đinh hương, nghệ, ngoài ra còn có vị béo và độ sệt của món ăn.
Ở Việt Nam, nhắc đến món cà ri người ta thường nghĩ đến cà ri gà. Món này cũng sử dụng gia vị bột cà ri là hỗn hợp các nguyên liệu như hoa hồi, đinh hương, lá cà ri, ớt. Vị béo của món cà ri Việt Nam thường từ nước cốt dừa, chứ không dùng sữa tươi như các nước khác. Nước cốt dừa có độ béo và thơm rất ngon miệng và phù hợp với khẩu vị của người Việt, tuy nhiên, nếu nấu quá lâu, nước cốt dừa sẽ có tình trạng tách dầu làm món ăn có vị gắt, không ngon.
Ngoài ra, chất béo của nước cốt dừa có chứa nhiều cholesterol và axít béo no rất cao, có tác dụng xấu đối với chuyển hóa mỡ và nguy cơ phát triển bệnh xơ vữa động mạch. Do đó, khi chế biến món cà ri có thể thay thế một phần nước cốt dừa bằng sữa tươi, vừa làm món cà ri ngon hơn, không bị tách dầu mà lại tốt cho sức khỏe hơn là dùng nước cốt dừa. Lưu ý, nếu thay thế nước cốt dừa bằng sữa thì món ăn lại không có vị béo, thơm. Bên cạnh đó, việc dùng loại khoai nào cho món cà ri hay xử lý gia vị thế nào cho món ăn ngon cũng là những yếu tố cần chú ý. Sau đây là một số mẹo để nấu món cà ri ngon:

- Tách váng béo nước cốt dừa, cho vào sau cùng để tăng vị béo cho món cà ri mà không bị gắt dầu khi nấu lâu.

- Thêm sữa tươi vào món cà ri, thay cho nước cốt dừa với tỷ lệ hai nước cốt dừa, một sữa tươi giúp món ăn có độ béo thanh, không ngấy mà lại tốt cho sức khỏe.

- Món cà ri của miền Nam có độ sánh, sệt và thơm hơn nhờ nấu với khoai môn củ lớn. Khi nấu chín nhừ sẽ làm nước cà ri sánh lại, rất ngon.

- Sử dụng khoai lang để nấu món cà ri tạo được vị ngọt cho món ăn.

- Chiên khoai trước khi cho vào nấu sẽ thơm hơn và không bị bể nát.

- Xay nhỏ các gia vị như củ hành tây, sả, ớt để tạo độ sánh, ngon cho món ăn.

Theo TS Nguyễn Thị Diệu Thảo
Cà ri gà

Nguyên liệu:

- Lá chanh tươi.

- 3 1/2 thìa bột cà ri.

- Hạt tiêu 1 thìa, đường 4 thìa muối.

- 3 ức gà, chặt miếng vừa ăn.

- 3 củ khoai lang hoặc thái hạt lựu.

- 4 nhánh tỏi, băm nhỏ, 3 lá nguyệt quế.

- 1 củ hành tây, tách thành những lát nhỏ.

- 2 chén nước, 1 củ cà rốt, 2 chén cốt dừa.

Cách làm:

- Lá chanh thái sợi nhỏ. Trộn bột cà ri , hạt tiêu, đường muối ướp thịt gà khoảng một tiếng.

- Chiên khoai chín vàng (không nhất thiết phải chín kỹ chỉ cần rán vàng là được). Khi khoai được vớt ra để nguội đợi nấu cà ri.

- Đổ dầu thừa ra chỉ để lại khoảng 2 thìa dầu để rán thịt gà.

- Vặn to lửa, phi thơm tỏi và lá nguyệt quế, hành, lá chanh, đảo nhanh tay đổ gà đã ướp vào đảo đều tay cho đến khi thịt săn lại là được. Cho thêm 2 cốc nước và cà rốt đậy lại đun sôi. Vặn nhỏ lửa đun liu riu khoảng 5 phút, mở vung, đảo đều nấu tiếp khoảng 10 phút nữa.

- Cho khoai rán, cốt dừa và sữa vào đậy vung, đun khoảng 15 phút nữa là được.

- Ăn với cơm, mì hoặc bánh mì.

Cà ri cá đuối

Nguyên liệu:

Tùy chọn phần thịt cá để nấu:


- Nếu chỉ lấy nạc, cắt xéo miếng thịt thành lát dày chừng 1cm nhỏ chừng ngón tay cái, nếu cắt dọc thớ thịt bạn sẽ có cảm giác miếng thịt bị tơi ra khi nhai.


- Nếu có được phần rìa cánh bơi, tùy thích lột bỏ da hay không, nếu lấy da phải dùng muối chà sát ngoài da cho thật sạch rồi xả rửa lại nước lạnh. Chặt ngang thành khúc chừng 5cm rồi chặt dọc theo chiều sớ những sợi sụn thành miếng ngang chừng 2cm. Như vậy mỗi miếng sẽ có vài sợi sụn còn dính chắc vào nhau.


- Nếu có phần thịt tiếp nối giữa nạc và các mô sụn thì cắt thành miếng vuông chừng 3cm.

Chuẩn bị nước dùng:

- Pha hỗn hợp gia vị cho nước dùng cá: 02 muỗng súp sả củ băm hoặc xay bằng máy xay cắt cho thật nhuyển mịn + 1 muỗng cà phê tỏi băm + 1 muỗng cà phê gừng băm + 5gr cà ri + 1 trái ớt hiểm băm (tùy thích). Làm nóng 2 muỗng súp dầu ăn, cho hỗn hợp gia vị vào, đảo đều là tắt bếp.


- 200gr nạc cá cắt vụn nhỏ để nấu cho nhanh, nấu chín với khoảng 250cc nước, cá vừa chín, tắt bếp ngay kẻo cháy, để nguội bớt, đổ tất cả vào máy xay, xay nhuyễn cá với nước nấu cá. Cho hỗn hợp gia vị vào cá xay khuấy đều, để riêng phần nước dùng cá này.

Sơ chế cá:

500gr thịt cá đuối đã cắt miếng. Tẩm ướp với 2 muỗng súp sả băm hoặc xay cắt thật nhuyễn + 1 muỗng cà phê gừng băm thật nhuyển + 5gr bột cà ri + 1 muỗng cà phê muối + ½ muỗng cà phê tiêu. Trộn thật đều, để cá qua 30 phút cho thấm gia vị. Cho cá vào tủ lạnh trong thời gian ướp.

Cách làm:

- Làm nóng 2 muỗng súp dầu ăn, cho vào 5gr bột cà ri. Đảo đều là tắt bếp, để cho bột cà ri lắng xuống, gạn lấy phần dầu. Phần dầu này sẽ dùng sau khi nấu xong.

- Dùng chảo đáy phẳng, làm nóng 2 muỗng súp dầu. Nếu chỉ dùng toàn là nạc thì cho nạc cá vào đảo nhẹ tay cho cá săn lại trong vài phút rồi dùng đũa tải cho cá sắp đều trong chảo; nếu dùng vây bơi phải chiên cho vàng với ít dầu rồi vớt ra cho ráo dầu; châm phần nước dùng cá vào, nước nấu cá phải sấp mặt cá, nếu thấy thiếu có thể châm vào chút nước sôi, hạ lửa, nấu chín cá. Nếu chỉ dùng thuần nạc cá thì thời gian nấu chỉ trong bốn năm phút sau khi nước sôi là cá chín, còn dù vây bơi thì cũng đã được chiên chín rồi và cũng tùy vây lớn nhỏ, nấu với thời gian độ chừng gấp đôi thời gian nấu nạc cá là được. Trong khi nấu vây bơi, nếu thấy nước cạn xuống cứ châm thêm từng ít nước sôi, sau khi nấu, nước vẫn sâm sấp mặt cá là vừa.

- Tùy khẩu vị nêm lại với chút muối rồi thả đậu bắp vào, trở cho miếng đậu bắp thấm đều nước nấu cá là tắt bếp, đậu phải ở dạng chín giòn.

- Tưới thêm phần dầu phi với bột cà ri vào, món ăn sẽ dậy mùi ca ri rất mạnh. Sau khi múc ra đĩa mới thả vào vài cọng rau ngổ.
- Tùy thích ăn với cơm bún hoặc bánh mì. Nếu ăn cay được, chấm cá với chút muối trộn với ớt tươi giã nhuyễn.

CANH GÀ MĂNG CHUA

Nguyên liệu:

- 300gr gà (khoảng 1 miếng)

- 300gr măng chua

- Hành, ngò gai
- Gia vị: nước mắm ngon, tỏi, tiêu, đường, hạt nêm, ớt.

Cách làm:

-
Chặt gà thành từng miếng vừa ăn, ướp đầu hành, tiêu, hạt nêm. Ớt cắt khoanh, hành, ngò gai cắt nhỏ

-
Măng chua rửa sạch, cắt miếng vừa ăn, xả lại cho sạch, cắt nhỏ.

-
Đặt nồi lên bếp, cho dầu vào phi hành cho thơm. Trút thịt gà vào xào săn.
- Cho vào nồi khoảng 1 lít nước, đợi sôi cho măng vào, nêm gia vị, đường, nước mắm cho vừa ăn.

- Để lửa nhỏ, hớt bọt.
-
Gà chín, măng thấm gia vị nêm thêm1 muỗng nước mắm ngon, nhắc xuống.
- Múc canh ra tô, rắc hành ngò gai và cho ớt khoanh vào.

MỰC NƯỚNG SA TẾ

Tớ từng có rất nhiều kỉ niệm với món mực này. Vì ham hố, có lúc tớ từng năn nỉ người bạn đội mưa tầm tã chở tớ lên tít xa thật xa chỉ để mua rồi chạy ngược về 1 quán trà sữa ở Sư Vạn Hạnh nối dài ngồi nhấm nháp. Thật tình, lúc đó chả hiểu do mực tươi được ướp kĩ hay ... :) mà thật sự tớ đã thấy món này rất rất ngon. 1 lúc nào đó có thời gian, bạn thử qua món-kỉ-niệm của tớ xem sao nhé! :P

Nguyên liệu:

- 600gr mực nang tươi

- 1 củ hành tây
- 2 muỗng cà phê dầu mè

- 2 muỗng cà phê dầu hào
- 1 muỗng cà phê sa tế
- 1 muỗng cà phê tương ớt
- Muối, tiêu, đường
- 2 muỗng cà phê giấm

- 3 nhánh tỏi, bằm nhỏ
- 1 muỗng cà phê nước mắm

Cách làm:

- Mực rửa sạch, để ráo, cắt thành miếng vừa, khía xéo trên thân mực.

- Ướp mực với muối, tiêu, tỏi, dầu mè, dầu hào, sa tế để khoảng 30 phút cho thấm.

- Xếp mực lên vỉ, phết dầu mè, nướng cho vàng thơm. Trong khi nướng rưới nước ướp lên để mực đỡ khô.

- Mực chín bày ra đĩa. Hành tây cắt khoanh mỏng, trộn dấm, ớt, tiêu và ăn kèm với mực nướng
.

Saturday, July 9, 2011

GẤC

Gấc - tên khoa họclà Momordica cochinchinensis (Lour) Spreng, họ Bầu bí (Cucurbitaceae). Gấc đặc biệt giàu lycopen. Theo tỷ lệ khối lượng, nó chứa nhiều lycopen gấp 70 lần cà chua, chứa beta-caroten nhiều gấp 10 lần cà rốt hay khoai lang.

Cây gấc là một loại dây leo, mỗi năm lụi một lần, nhưng lại đâm chồi từ gốc cũ lên vào mùa xuân năm sa
u. Lá mọc so le, chia thùy khía sâu tới ½ phiến lá. Hoa đực, hoa cái riêng biệt, cánh hoa màu vàng nhạt. Mùa hoa tháng 4-5. Quả hình bầu dục dài độ 15-20cm, đáy nhọn, ngoài có nhiều gai, khi chín màu vàng đỏ đẹp tươi. Mùa quả tháng 6 đến tháng 2 năm sau. Gấc nếp thì thưa gai hơn gấc tẻ. Trong quả có nhiều hạt xếp thành những hàng dọc, quanh hạt có màng màu đỏ máu, tươi. Bóc lớp màng đỏ sẽ thấy hạt hình gần giống con ba ba nhỏ, ngoài có lớp vỏ cứng, mép có răng cưa. Trong hạt có nhân trắng chứa nhiều dầu.
Người Việt thường sử dụng gấc để nấu xôi, chế biến thức ăn, dùng thay phẩm màu trong chế biến thức ăn... Xôi gấc là một món ăn thường xuất hiện trong những dịp cưới hỏi, lễ Tết, vì màu đỏ của gấc tượng trưng cho sự vui vẻ, tốt lành. Người ta dùng màng hạt và hạt của nó đánh với một ít rượu để trộn lẫn với gạo nếp sau đó đem thổi thành xôi, giúp cho món xôi có màu đỏ và thay đổi hương vị…

Ngoài ra, gấc còn có những công dụng sau:

Bổ sung Vitamin giúp đôi mắt sáng đẹp
Trong dầu gấc chứa khá nhiều hàm lượng Beta carotene. Là tiền sinh tố của Vitamin A. Chất này khi vào cơ thể sẽ chuyển thành vitamin A, vitamin A rất quan trọng trong việc đề phòng các bệnh do thiếu vitamin A, bệnh khô mắt, quáng gà, loét giác mạc, cận thị, mỏi mắt, nhức mắt… nên bổ sung dầu gấc thường xuyên để có một thị lực tốt hơn.

Công dụng làm đẹp
Trái gấc mọng đỏ tươi thân leo mảnh mai nhưng lại ẩn chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng rất cao. Trong lớp màng đỏ bao quanh hạt gấc còn chứa rất nhiều vitamin E chất chống oxy hóa, chống lão hóa tế bào. Các chất thiên nhiên này góp phần giữ gìn sự thanh xuân, chống sạm da, khô da, rụng tóc... Không chỉ vậy, hiện nay dầu gấc còn được chiết suất để chữa các loại mụn trứng cá có nhân. Vì vậy, gấc trở thành loại quả dùng trong công nghiệp mỹ phẩm.

Phòng chống ung thư
Những nghiên cứu dịch tễ học của Mỹ về tác dụng của lycopene cho thấy ở vùng nào người dân ăn những loại quả có chứa lycopene thì tỉ lệ ung thư ống tiêu hóa (đặc biệt dạ dày, trực tràng, kết tràng) thấp hơn những vùng người dân ăn ít những quả này. Tỉ lệ chết vì ung thư giảm tới 50%. Kết quả ấn tượng nhất của lycopene là đối với ung thư tuyến tiền liệt. Trong một nghiên cứu kéo dài 12 năm trên một nhóm đối tượng ăn ít nhất 2 lần nước xốt cà chua/tuần đã cho thấy nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt giảm 35%. Tác dụng này còn mạnh hơn ở những người ung thư đang tiến triển. Lycopene còn có tác dụng trong điều trị viêm gan, xơ gan, hạ huyết áp.
Mặc dù vậy, y học khuyến cáo mỗi ngày người lớn chỉ nên sử dụng 20 - 25 giọt dầu gấc và 5 - 10 giọt đối với trẻ em.

Tác dụng tốt với tim mạch
Dầu gấc có tác dụng làm giảm LDL cholesterol, làm bền thành mạch, chống xơ vữa động mạch, từ đó chống tai biến. Mang lại cho bạn hệ tuần hoàn khỏe mạnh, tốt cho tim, người bị mắc bệnh tiểu đường. Chống các bệnh tim mạch, góp phần chống tai biến, tăng cường tuổi thọ.

Nhuận tràng tốt cho tiêu hóa
Các món ăn làm từ gấc không chỉ ngon, đầy màu sắc mà còn nhuận tràng chống táo bón tốt cho hệ tiêu hóa.

Nâng cao sức đề kháng cơ thể
Curcumin trong dầu gấc có khả năng loại bỏ các gốc tự do gây ung thư có trong thức ăn, nước uống hàng ngày, đồng thời nâng cao sức đề kháng, thể lực. Bên cạnh tinh chất Curcumin được coi là quý giá còn có Beta Caroten chứa trong màng của quả gấc cũng có tác dụng chống ôxy hóa mạnh, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Giúp cơ thể nâng cao hệ thống miễn dịch cơ thể.

Hạt gấc, loại thuốc dân gian
Hạt đen xù xì, thường bỏ đi sau mỗi khi chế biến thức ăn. Cũng là loại thuốc dân gian vẫn thường dùng, nhân hạt gấc chứa chất dầu màu vàng, các chất dinh dưỡng như chất béo, đạm, chất xơ, phosphtase… thường dùng trị mụn nhọt, quai bị, sưng tấy, lở loét, tắc tia sữa…

Xôi gấc


Nguyên liệu:

- 2kg gạo nếp ngon
- 1 trái gấc chín thật đỏ khoảng 600 - 700gr
- Đường
- Muối
- Dầu ăn hoặc mỡ nước động vật (nấu ra từ mỡ gáy heo, ngon nhất là mỡ gà).
- Rượu trắng 35 độ trở lên.

Cách làm:

- Nếp vo sạch. Cho nếp vào nồi, thau... ngâm nước khoảng 3 giờ. Trước khi nấu đổ vào rá để nếp cho thật ráo nước, rồi trộn đều vào nếp 2 muỗng cà phê muối.

- Chẻ dọc ra, lấy phần nạc và hột gấc chứa vào một cái tô. Chế vào phần nạc và hột gấc này 50cc rượu trắng, dùng tay bóp cho rượu với gấc nhuyễn vào nhau, nạc gấc sẽ nhuyễn mịn ra và dậy màu , nếu trong nạc gấc có những mô sợi dài không tan ra thì lấy bỏ đi. Sau khi đánh rượu, nếu thấy màu đỏ không đẹp (điều này tùy mỗi trái gấc chứ không thể nào nói tất cả gấc đều cho màu đẹp) thì có thể dùng thêm màu thực phẩm. Trộn phần nạc và hột gấc vào nếp và đảo cho thật đều.
- Cho nếp đã trộn gấc vào xửng hấp lên cho chín, trong quá trình đồ xôi chừng mươi phút phải đảo nếp một lần cho xôi chín đều.
- Sau khi xôi chín, tắt bếp, vẫn để xửng hấp xôi trên bếp, trong khi xôi còn nóng, nhấm thử vài hột xôi để thăm chừng vị ngọt có sẵn do gấc tạo ra rồi mới rắc thêm đường từ từ vào + 2 muỗng dầu ăn hoặc mỡ nước, vừa cho đường, dầu vào vừa trộn thật đều.
- Tùy chất lượng xôi, gia giảm lượng dầu mỡ , đường... vừa đủ cho xôi xôi láng mặt là được và có vị ngọt theo ý là được.

BÁNH CHUỐI HẤP

Vị thơm ngọt của chuối sứ, cái dai dai sừn sựt của lớp bánh và béo ngậy của nước cốt dừa quyện vào nhau. Đó thật sự là 1 vị thanh đạm rất tuyệt vời!

Nguyên liệu:

- 1 nải chuối sứ chín

- 100 g bột năng
- 50 g bột báng, ngâm nở

- 150 g bột gạo
- 250 g dừa nạo, vắt lấy 1 bát nước cốt và ½ bát nước dảo

- 150 g đường cát
- 100 g đậu phộng rang, giã nát

- 1 ít mè trắng rang vàng
- 1 vài nhánh lá dứa

Thực hiện:

- Bóc vỏ chuối, thái khoanh dày 5 mm. Ướp chuối với 50 g đường, để ngấm 30 phút.

- Pha bột: 70g bột năng, 150g bột gạo, 50 g đường, 4 chén nước lã, một ít vani, khuấy đều hỗn hợp, để bột nở 20 phút.
- Thoa dầu vào khuôn, xếp xen kẽ một lớp chuối, một lớp bột. Hấp bánh chín trong (dùng tăm xiên thử thấy tăm khô là bánh đã chín hẳn).

- Nước dừa: 1 chén nước cốt, ½ chén nước dảo, 30 g bột năng, 50 g bột báng, 3 muỗng đường, ½ muỗng muối, khuấy đều, để lửa liu riu với lá dứa. Bột báng chín, nước dừa sánh lại, tắt bếp.


Thưởng thức:

- Để nguội hẳn mới lấy bánh ra khỏi khuôn.

- Cắt miếng vừa ăn, xếp ra đĩa, rưới nước dừa, đậu phộng rang, mè lên trên.

CÁC MÓN TỪ NHA ĐAM

Tớ thì tớ chỉ biết nha đam có 2 lợi ích là nấu chè và đắp mặt. Nay tớ mới biết thêm nha đam cũng có thể làm được khối món ngon lành khác cơ đấy! Tớ chưa có cơ hội làm thử những món này. Nhưng chắc chắn 1 ngày rất gần tớ sẽ tự tay làm 1 bữa linh đình đãi Gia Đình tớ với toàn là nha đam và nha đam! Kaka! :) Bạn nào thử trước rồi thì cho tớ xin cái feedback nhé!

Gỏi nha đam

Nguyên liệu:
- 200gr nha đam
- 100gr sò điệp
- 100gr dưa leo
- 100gr hành tây
- 100gr ớt sừng
- 100gr hành tím
- 100gr cà-rốt
- 1 ít rau húng lủi
- 2
muỗng súp đường
- 1 muỗng súp nước mắm

- 1 muỗng cà-phê tỏi, ớt xay.

Thực hiện:
- Hấp chín sò điệp.
- Thái sợi dưa leo, gọt vỏ cà-rốt, bào sợi mỏng, ớt bỏ hạt, thái sợi nhỏ.
- Lột vỏ hành tây, hành tím, thái khoanh mỏng. Gọt lớp vỏ ngoài nha đam, cắt khúc vừa ăn.
- Nhặt rửa sạch rau húng, thái nhuyễn vừa.
- Cho dưa leo, cà-rốt, nha đam, củ hành, hành tây, ớt, sò điệp vào thố, sau đó cho đường, nước mắm, tỏi, ớt xay vào, trộn đều.

Thưởng thức: Cho gỏi nha đam ra đĩa, rắc rau húng lên. Dùng ngay, chấm kèm với nước mắm chua ngọt.

Nha đam trộn salad

Nguyên liệu:
- 200gr rau xà lách các loại
- 200gr nha đam
- 150gr mực ống
- 100gr hành tím
- 100gr ớt xanh
- 100gr cà chua bi.
- Gia vị trộn: 2 muỗng súp giấm, 1 muỗng súp đường, 2 muỗng cà-phê bột nêm, 1 muỗng súp dầu ăn, 1/2 muỗng cà-phê tiêu, 1 muỗng cà-phê tỏi băm, 2 muỗng cà-phê tương ớt.

Thực hiện:
- Gọt vỏ nha đam, ngâm nước muối, trần sơ.
- Cắt khoanh mực ống, trần chín.
- Thái lát hành tím, thái sợi ớt xanh, bổ đôi cà chua bi.
- Đánh tan gia vị.

Thưởng thức: Dọn salad ra đĩa, trình bày các nguyên liệu sao cho đẹp mắt, rưới gia vị, dùng ngay.

Cá hấp nha đam

Nguyên liệu:
- 1 ít tóc tiên
- 200gr phi-lê cá lóc
- 200gr nha đam
- 1 trứng gà
- bột nêm, đường, dầu ăn, tương ớt, hành tiêu, 1 chén nước dùng.

Thực hiện:
- Các cắt miếng, ướp dầu ăn, bột nêm.
- Gọt vỏ nha đam, cắt miếng, ngâm nước muối.
- Xếp xen kẽ cá, nha đam ra đĩa, cho vào nồi hấp.
- Đun sôi nước dùng, nêm gia vị, cho bột năng vào tạo độ sánh vừa.
- Cho trứng gà đánh tan vào nước dùng rồi cho tóc tiên vào.
- Rưới nước sốt lên đĩa cá hấp, đun thêm 5 phút rồi lấy ra, cho hành băm, tiêu vào.

Thưởng thức: Dùng với tương ớt rất ngon.

Súp nha đam

Nguyên liệu:
- 200gr nha đam
- 100gr tôm
- 100gr bông cải xanh
- 100gr cà-rốt
- 1 ít rau mùi (ngò)
- bột nêm, tiêu, 1 chén nước dùng, 1 muỗng súp bột năng.

Thực hiện:
- Gọt vỏ ngoài nha đam, cắt miếng vừa ăn, ngâm nước muối.
- Bóc vỏ tôm, bỏ đầu, giữ lại đuôi.
- Cắt bông cải miếng vừa ăn.
- Gọt vỏ cà-rốt, thái lát.
- Thái nhuyễn rau mùi.
- Đun sôi nước dùng, cho tôm, bông cải, cà-rốt vào, nêm gia vị vừa ăn.
- Cho bột năng pha loãng vào tạo độ sánh vừa.

Thưởng thức: Múc súp ra tô, rắc riêu, rau mùi, dùng nóng.

Bò xào nha đam

Nguyên liệu:

- 150gr phi-lê bò
- 200gr nha đam
- vài lát gừng
- 100gr bông cải trắng
- 1/2 củ hành tây
- 1 quả cà chua
- 2 cọng hành lá
- bột nêm, dầu hào, tỏi xay, 1muỗng cà-phê bột năng.

Thực hiện:
- Thái thịt bò, ướp với bột nêm, tỏi.
- Gọt vỏ nha đam, thái lát dày, ngâm nước muối.
- Cắt miếng bông cải, trụng sơ.
- Cắt múi cà chua, hành tây.
- Cắt khúc hành lá.
- Đun nóng dầu, phi thơm tỏi, cho thịt bò vào xào, cho bông cải, hành tây, cà chua, gừng, nha đam, nêm gia vị, bột năng pha loãng.

Thưởng thức: Rắc hành lá lên, dùng nóng.

Nha đam rán giòn

Nguyên liệu:
- 4 thìa súp bột chiên giòn
- 2 quả trứng gà
- 300gr nha đam
- một ít rau xà lách
- 1 muỗng cà phê bột nêm, 1/2 muỗng cà phê tiêu, tương ớt, dầu ăn.

Thực hiện:
- Gọt vỏ nha đam, cắt miếng to, dày khoảng 2 ngón tay, ngâm nước muối, vớt ráo, đánh tan bột chiên giòn, trứng, gia vị với 50ml nước.
- Nhúng nha đam qua hỗn hợp bột.
- Đun nóng thật nhiều dầu, thả nha đam vào chảo chiên vàng, vớt ra để ráo dầu.

Thưởng thức: Xếp rau xà lách ra đĩa, cho nha đam rán vàng lên trên. Dùng kèm với tương ớt.

Chè nha đam

Nguyên liệu:
- 200gr nha đam
- 100gr củ sen
- 50gr bo bo
- 50gr táo đỏ
- 50gr nhãn nhục
- 50gr phổ tai
- 100gr hạt sen
- 300gr đường.

Thực hiện:
- Gọt vỏ nha đam, thái hạt lựu, ngâm nước muối, vớt ráo.
- Ngâm mềm bo bo, phổ tai.
- Thái sợi phổ tai
- Gọt vỏ củ sen, thái hạt lựu vừa ăn.
- Cho củ sen, hạt sen, bo bo vào nồi nước, nấu mềm.
- Tiếp tục cho đường vào nấu tan.
- Cho nhãn nhục, táo đỏ, phổ tai vào.
- Cuối cùng, cho nha đam vào.

Thưởng thức: Múc chè ra tô, cho vào tủ giữ lạnh hoặc dùng kèm với đá rất mát.

Canh gà nha đam

Nguyên liệu:
- 1 đùi gà khoảng 300gr
- 300gr nha đam
- 100gr nấm đông cô tươi
- 100gr cà-rốt
- 1 ít hành lá
- 2 chén nước dùng gà
- 1 muỗng cà-phê tiêu, 1 muỗng cà-phê đường.

Thực hiện:
- Rửa sạch đùi gà, chặt miếng cho vừa ăn.
- Gọt bỏ lớp vỏ ngoài nha đam, cắt miếng vừa ăn, ngâm với nước muối, vớt ráo nước.
- Gọt vỏ cà-rốt, thái khoanh, tỉa hoa.
- Đun sôi nước dùng, cho gà vào.
- Gà gần chín, cho cà-rốt, nha đam, nấm, nêm bột nêm, đường vừa ăn.

Thưởng thức: Dọn canh gà ra tô, rắc hành lá, tiêu, dùng nóng với cơm.

Nha đam sốt dầu hào

Nguyên liệu:
- 200gr cải ngồng
- 50gr thịt cua
- 100gr cà-rốt
- 200gr nha đam.
- Nước sốt: 2 muỗng súp dầu hào, đường, bột nêm, 1 muỗng súp dầu ăn, 1 chén nước dùng, 2 muỗng cà-phê bột năng, 1 muỗng cà-phê gừng xay.

Thực hiện:
- Đun sôi nước dùng, nêm gia vị làm nước sốt vào, cho bột năng pha loãng vào tạo độ sánh.
- Gọt vỏ nha đam, cắt miếng, ngâm nước muối, vớt ráo, trụng sơ.
- Nhặt cải ngồng, trụng chín, tỉa hoa cà-rốt.
- Cho nha đam vào nước sốt, cho thịt cua, cà-rốt, cải ngồng vào dĩa, rưới nước sốt dầu hào lên trên.

Thưởng thức: Dùng nóng với cơm.

From Tiếp Thị Gia Đình

Friday, July 8, 2011

Đẹp với TRÁI DỨA / THƠM / PINEAPPLE

Bạn có thích làm đẹp không? [FM] tớ vừa thích ăn ngon mà còn vừa thích làm đẹp nữa. Dạo gần đây, tớ vừa phát hiện 1 loại trái cây có khả năng giúp con gái mình ăn vô thì khoẻ mà bôi trét bên ngoài thì đẹp ra. Không tin thì bạn thử xem nhé!

Đường uống nè!

Dứa không chỉ dùng làm món tráng miệng sau bữa ăn mà nước ép của trái dứa còn giúp giải nhiệt và giải khát rất tốt. Nước cốt trái dứa giúp giảm mệt mỏi vì nó có chứa vitamin A, C, canxi, mangan… giúp cơ thể tránh khỏi tác hại của quá trình oxy hóa.

Vì vậy, uống nước ép từ trái dứa sẽ giúp giảm stress và làm việc hiệu quả hơn. Những ly sinh tố mát lạnh bổ dưỡng từ trái dứa sẽ làm cho mùa hè của bạn không còn nóng nực mà trở nên ngọt ngào, thơm mát.

Chính nhờ tác dụng chống lại tác hại của quá trình oxy hóa nên ăn dứa hoặc uống nước dứa ép đều đặn còn đem đến cho bạn sự thanh xuân. Một số thức uống đơn giản, dễ làm từ dứa có tác dụng thanh nhiệt và giúp bạn trẻ lâu như: sinh tố dứa, sinh tố chuối dứa, sinh tố xoài dứa, sinh tố dứa cam mật ong, sinh tố dứa sữa chua…

Cách làm: Dứa gọt vỏ, bỏ hết mắt rồi rửa lại bằng nước lọc. Xắt dứa thành những miếng nhỏ để xay cho dễ và nhanh nhuyễn.Các loại quả khác cũng bỏ vỏ, bỏ hạt, xắt miếng nhỏ để dễ xay. Cho dứa (hoặc cùng quả khác), chút nước lọc, đường theo tỷ lệ vừa với khẩu vị của từng người vào máy xay sinh tố và xay nhuyễn. Cho tiếp đá bào vào hỗn hợp nước dứa đã xay nhuyễn (nhiều hay ít đá tùy ý thích của mỗi người) và xay lại 1 lúc cho sinh tố mát đều. Đổ sinh tố ra cốc, trang trí cho đẹp mắt và thưởng thức.

Đường ăn nè!

Các bạn gái đẫy đà xin đừng e ngại vị ngọt thanh trong dứa vì các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng ăn dứa chính là một cách giảm béo khá hiệu quả mà lại không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, chỉ cần lưu ý trước khi ăn, bạn nên cho dứa vào nước muối 5% (nước muối nhạt ) ngâm độ 1 tiếng rồi vớt ra ăn, vừa ngon, vừa lành. Người đau dạ dày thì chỉ nên ăn dứa lúc no.

Mặt nạ chăm sóc da nhé!

Hàng ngày, do tiếp xúc với ánh nắng, bụi bẩn thường xuyên sẽ khiến cho da mặt bị sần sùi và dễ nám. Đắp mặt nạ từ nước cốt trái dứa sẽ làm cho làn da của bạn tươi sáng hơn mỗi ngày vì trong dứa có chứa một hàm lượng lớn các chất vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, chất acid bromatic có trong dứa sẽ lột nhẹ lớp tế bào sừng phía ngoài làm cho da mịn màng và trắng hơn. Ngoài tác dụng làm mịn và sáng da, cách đắp mặt nạ dứa này còn là phương pháp trị nám tự nhiên rất tốt.

Vì vậy, mỗi tuần bạn nên đắp mặt nạ một lần để cải thiện làn da nám. Tuy nhiên, đối với những người có làn da nhạy cảm và đang sử dụng thuốc điều trị mụn, trị nám thì không nên dùng hoặc thời gian dùng phải cách xa nhau: 2 tuần/lần và chỉ nên để từ 3 đến 5 phút.

Cách làm: Gọt sạch vỏ, cắt bỏ hết mắt dứa rồi thái miếng và đem ép lấy nước. Lấy một chiếc mặt nạ giấy đặt lên mặt, bôi nước cốt dứa lên, tránh phần mắt. Thư giãn khoảng 15 phút thì rửa mặt với nước sạch.

ỐC LẠ

Hôm qua, [FM] đi ăn với mấy người bạn ở 1 nhà hàng đặc sản hải sản quái lạ. Phải nói là ở đây có nhiều loại siêu-kì! Ví như ốc vú nàng :P , nhím biển, ốc vòi voi... Có thể có bạn đã biết tới chúng rồi nhưng [FM] tớ thì có nghe loáng thoáng thôi chứ chả biết ăn nó giòn dai mềm dẻo thế nào cả. Sau đợt "nếm" này, tớ vội vã về tìm hiểu rồi share với mọi người đây!

Ốc vòi voi

Có nơi gọi là con thụt thò, là một loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ sống trong nước mặn. Trong môi trường tự nhiên, ốc vòi voi sống rải rác trên các trương cát ngầm và thềm cát có san hô ở vùng biển ấm.

Chúng có thể thích nghi với môi trường nước trong với độ mặn ổn định, có thủy triều lên xuống hay ở các vùng bãi bùn cửa sông nước lợ. Ở nước ta, những nơi có nhiều ốc vòi voi là Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa…

Ốc vòi voi sinh sản dưới cát vào mùa xuân, sinh trưởng nhanh trong điều kiện môi trường tự nhiên hay môi trường nuôi tốt. Loại ốc này có giá trị dinh dưỡng cao. Các nghiên cứu cho rằng thịt của chúng có khoảng 16 loại acid amin.

Ngày trước, ốc vòi voi chỉ có trong môi trường tự nhiên, là một đặc sản quý hiếm. Hiện nay, nó đã được nuôi
thành thương phẩm và ngành nuôi ốc vòi voi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân. Nuôi ốc vòi voi không tác động xấu đến nguồn nước, ít bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, công chăm sóc không đáng kể, do đó một hộ gia đình có thể nuôi cả chục ngàn con.
Sau khi sinh nở, ốc vòi voi trải qua nhiều lần biến thái, thành giống cấp 1 (lớn cỡ 4-5mm). Từ giống cấp 1, sau một tháng ốc sẽ lên giống cấp 2, có chiều dài vỏ 2-3cm. Với hai hình thức nuôi là nuôi treo (dùng lồng hoặc giàn treo cố định) và nuôi đáy (nuôi trên bãi tự nhiên hoặc bãi có cải tạo) trong thời gian 12-15 tháng là có thể thu hoạch được. Trong suốt quá trình nuôi không phải chăm sóc hay cho ăn vì ốc tự ăn động vật phù du tự nhiên trong nước biển.


Hiện nay, tại các nhà hàng, món đơn giản nhất chế biến từ ốc vòi voi là nướng.

Trước kia, món này rất đắt (có khi lên đến vài trăm ngàn đồng một ký), nhà hàng tính tiền theo con (con khoảng 50g có giá 20-30 ngàn đồng). Từ khi ngư dân nuôi thành công, giá thành ốc vòi voi giảm
đáng kể. Ở các nhà hàng tại Khánh Hòa, ốc vòi voi sống có giá 95.000 đồng/kg.

Ốc vòi voi khi còn sống có hình dạng khô
ng hấp dẫn do có lớp “da” màu xám đen bọc lớp thịt bên trong. Khi bơi trong nước, mình chúng có thể thò ra khỏi vỏ dài đến cả tấc.

Chế biến ốc vòi voi là một công việc khá phức tạp. Phải rửa nhẹ nhàng con ốc bằng nước ấm, sau đó tách hai vỏ của chúng ra, lấy ruột nằm bên hông mảnh vỏ (thao tác phải thật cẩn thận để ruột không bị bể). Dùng nước nóng hơn để tuột lớp da bên ngoài sao ch
o lộ ra phần thân trắng nõn mới đem rửa lại bằng nước lạnh. Do có giá trị dinh dưỡng cao (nhiều người cho rằng loại ốc này là lựa chọn số 1 với nam giới khi tìm ăn các món ăn “tráng dương bổ thận”) nên hầu như các món ăn được chế biến từ ốc vòi voi khi bày biện đều được trưng bày hai mảnh vỏ trên đĩa.
Nếu là món nướng thì sau khi lấy thịt của chúng ra, người ta để tr
ên một mảnh vỏ và nướng trên than hồng, sau đó mới để mỡ hành lên trên.
Có người vì muốn tận hưởng vị ngọt đặc biệt của ốc n
ên chỉ ăn thịt ốc nướng. Các phẩm chất dai dai, giòn giòn lại mềm và ngọt của ốc vòi voi không có loại ốc nào bằng. Món ốc nướng vì vậy chỉ cần chấm với muối ớt chanh là đủ. Bên cạnh món nướng còn có món hấp.

Cũng có thể lấy thịt ốc trộn với gừng xắt sợi, thêm chút rượu, chút dầu mè, gia vị như nước tương, muối, tiê
u rồi hấp khoảng năm phút. Trong thời gian hấp ốc, đầu bếp xào giá và hành lá.

Trên đĩa, món hấp được trình bày như sau: đặt hai mảnh vỏ con ốc (để làm bằng chứng!) vào chính giữa đĩa, cho giá và hành đã xào vào xung quanh, sau đó cho ốc chín lên hai mảnh vỏ ốc, rắc chút tiêu và đặt rau ngò lên trên cùng.


Ngoài ra, ốc vòi voi còn chế biến bằng cách làm gỏi, chiên với nấm, nấu xúp hay nấu cháo cũng rất ngon.

Người nước ngoài lại thích ăn ốc vòi voi theo dạng sashimi chấm với mù tạt.


Ốc vú nàng

Ốc vú nàng có vỏ xà cừ hình chóp nón, giống đôi gò bồng đảo của các cô gái dậy thì, thân ốc màu vàng pha xanh, nhưng mỗi khi có tay người chạm phải thì chuyển sang sắc hồng e lệ.

Cách trung tâm Hội An khoảng 20 km về hướng Đông Bắc, cù lao Chàm là một cụm đảo bao gồm 8 hòn đảo nhỏ: Hòn Ông, Hòn Khô Mẹ, Hòn Khô Con, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lao. Quần thể đảo này được biết đến như một khu du lịch sinh thái độc đáo bậc nhất xứ Quảng.

Đến cù lao Chàm, du khách không thể nào bỏ qua món đặc sản ốc vú nàng, một loài nhuyễn thể to khoảng vài ngón tay đến nửa bàn tay, thường bám dưới những tảng đá.

Ốc
vú nàng có hình dáng giống đôi gò bồng đảo của các cô gái dậy thì căng tràn sức sống, được bao bọc bên ngoài lớp vỏ bằng xà cừ cứng chắc.

Loài nhuyễn th
ể này có quanh năm nhưng chỉ xuất hiện nhiều vào những ngày trăng tròn, sau đó chúng lặn mất dần để rồi tái xuất hiện vào đầu mùa trăng theo một chu kỳ nhất định. Người bắt ốc phải chịu khó ngâm mình dưới nước, bơi vào các hang, dùng đèn soi rọi vào tận kẽ đá tách từng con ốc đang bám chặt vào thành đá bằng lớp da bụng mềm mại của nó. Một số du khách muốn tự tay tìm loại ốc này, cạy được con nào, họ vắt chanh vào và rắc tiêu ăn ngay tại chỗ. Thịt ốc vú nàng màu trắng ngà được luộc nguyên con, rửa sạch rồi tưới qua lại một lần nước sôi bỗng chuyển sang màu vàng ngon mắt, trên đỉnh lưng mỗi con vú nàng nếu khéo tách sẽ còn lại một núm thịt màu nâu sậm.

Dân “ghiền” vú nàng thường chỉ dùng muối tiêu chanh để ăn kèm với ốc vú nàng luộc. Làm món trộn, người ta xắt mỏng thịt ốc đã luộc, trộn đều với chanh và ớt. Thịt ốc vú nàng săn giòn nhưng không quá mềm như thịt nghêu, sò và rất ngọt. Dân vùng cù lao Chàm gặp mùa ốc vú nàng bội thu còn dùng để kho với thịt heo để ăn cơm.

Làm thuốc từ TRÁI THƠM/ DỨA/ PINEAPPLE

Người ta thường biết đến cây dứa (thơm) là loại cây trồng để làm thực phẩm và làm thuốc chữa bệnh. Nhưng trên thực tế, còn hai loại dứa nữa mặc dù không có giá trị dinh dưỡng nhưng được dùng làm thuốc rất phổ biến đó là dứa dại và dứa bà.

Dứa (thơm): là loại cây trồng phổ biến ở Việt Nam, là cây vừa làm thực phẩm lại có giá trị làm thuốc rất tốt. Trong quả dứa chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, lại có mùi vị thơm ngon, rất được ưa chuộng. Trong dịch quả dứa chứa nhiều acid hữu cơ, các chất đường, các acid amin, các vitamin B1 , B2 , C, PP, đặc biệt trong quả và thân cây dứa còn có bromelin, là một enzym có tác dụng thủy phân protein, giúp cho vết thương ở niêm mạc dạ dày chóng thành sẹo. Ngoài ra nó còn có tác dụng chống viêm và chống giun đũa.

Theo Y Học Cổ Truyền, quả dứa có vị chua, ngọt, tính bình, có tác dụng giải nhiệt, sinh tân, chỉ khát. Dùng cho các trường hợp cơ thể nhiệt, háo khát, trúng thử, các trường hợp tiêu hóa kém, táo bón, đặc biệt táo bón mạn tính do đại tràng thực nhiệt, nhu động ruột giảm. Do vậy quả dứa rất thích hợp cho các trường hợp rối loạn tiêu hóa, ăn không biết ngon, tinh thần bất an, những trường hợp béo phì, xơ cứng động mạch, đau viêm khớp, gút, sỏi đường tiết niệu. Ngày có thể dùng từ 1/4 đến 1 quả dứa chín.

Trường hợp bị say nắng (trúng thử), hoặc sốt cao, sốt vàng da: dùng nõn dứa (phần non của ngọn cây dứa), khoảng 50g, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống. Có thể dùng nhiều lần trong ngày.

Chữa sỏi đường tiết niệu, bí tiểu tiện, tiểu buốt, tiểu ra máu: Dứa một quả, gọt bỏ vỏ, thêm khoảng 0,3 g phèn chua, nấu trong 3 giờ liền. Lấy ra ăn các miếng dứa và uống nước nấu. Dùng liền một tuần lễ. Hoặc dùng rễ cây dứa, rửa sạch, thái nhỏ, sắc uống 30 - 50g/ngày. Uống nhiều ngày tới khi hết các triệu chứng trên.

Nhuận tràng và tẩy: Lấy 50g quả dứa xanh, gọt vỏ, ép lấy dịch cho uống. Cần chú ý, cách dùng này, không thích hợp cho phụ nữ có thai.

Lưu ý: Khi ăn dứa cần phải cắt gọt hết các “mắt dứa”, vì trong mắt quả dứa có chứa một số nấm (Candida), nếu ăn phải rất dễ bị ngộ độc: người choáng váng, buồn nôn, đau bụng, nôn mửa tiêu chảy... Nhân dân thường có kinh nghiệm chữa ngộ độc dứa bằng cách lấy vỏ quả dứa, khi gọt, nấu lên, lấy nước cho uống là khỏi. Tuy nhiên cũng cần theo dõi, nếu quá nặng, phải kịp thời đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu.

Dứa dại: có hình thức bên ngoài gần giống cây dứa nói trên, song lá mềm, hơi cong và nhỏ hơn, mặt lá phía trên rất bóng và xanh. Phiến lá dài, hai bên mép lá có các hàng gai sắc nhọn, thường trồng để làm hàng rào. Kinh nghiệm dân gian dùng dứa dại chữa bệnh:

Chữa phù thũng: rễ dứa dại 10 - 15g, hoặc 15 - 20g đọt non, rửa sạch, cắt nhỏ, sắc uống, ngày một lần. Uống nhiều ngày liền, đến khi hết các triệu chứng trên. Trường hợp bị phù kèm theo táo bón nhiều, có đau bụng, có thể phối hợp rễ dứa dại 8g (nướng qua), rễ cau non 4g, vỏ cây đại 8g (thái mỏng, sao vàng), hương nhu 8g (lá), tía tô 8g (lá), hoắc hương 8 g, hậu phác 12g, rễ phụ cây si 8g. Tất cả thái nhỏ, sắc uống, ngày hai lần, đến khi hết các triệu chứng trên.

Chữa phù thận tiểu ít, tiểu buốt rắt, nước tiểu vàng đục: rễ dứa dại 400g, râu ngô 300g, củ sả 100 g, nõn tre 50g, cam thảo dây 20g, trấu mới của thóc nếp 100g (sao vàng thơm). Dùng dưới dạng thuốc sắc, đun sôi 30 phút. Uống ngày 2 lần. Trẻ em tuỳ tuổi, giảm lượng. Uống liền 5 ngày. Nghỉ 3 ngày, uống đợt sau.

Chữa sỏi thận, tiểu buốt, tiểu ra máu: đọt dứa dại 120g, ngải cứu tươi 20g, cỏ bợ 30g, lá phèn đen 10g. Rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống. Làm nhiều lần, tới khi hết các triệu chứng trên.

Trị sỏi thận, sạn thận, sỏi bàng quang, hoặc sau khi đã tán sỏi, cần loại sỏi ra ngoài: quả dứa dại, rửa sạch, ngâm cho mềm, để ráo nước bổ nhỏ, thái phiến, sao vàng, cùng với kim tiền thảo, mỗi vị 20g, sắc uống, ngày một thang, uống nhiều ngày cho đến khi hết sỏi.

Dứa bà (còn gọi là dứa Mỹ):

Dứa bà có thân ngắn, nhưng lá có bẹ to, mọc ốp vào nhau thành hình hoa thị. Lá to, dài trên 1m, mũi lá nhọn, hai mép có gai như răng cưa. Cụm hoa rất to.

Lá dứa bà thái nhỏ, phơi khô, ngày 12-16 g, sắc uống trị sốt cao, tiểu tiện khó, bí.

Rễ dứa bà thái mỏng, phơi khô, sao vàng, ngâm rượu, tỷ lệ 100 g/1 lít rượu 300 , ngâm 1 tháng, uống ngày 2 lần, mỗi lần 5-10 ml, trị tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp.

Ngoài ra còn dùng rễ, lá tươi, giã nát, ngậm chữa
đau nhức răng.

Thursday, July 7, 2011

SỮA CHUA ĐẬU NÀNH

Ở tuổi mãn kinh, hàm lượng oestrogen trong cơ thể phụ nữ giảm mạnh, ngoài các biện pháp khắc phục là dùng liệu pháp bổ sung oestrogen thì người ta còn áp dụng một phương pháp an toàn hơn chính là sử dụng phytoestrogen - những hợp chất oestrogen trong thực vật, phổ biến là đậu nành. Chất isoflavones - một dạng phytoestrogen trong đậu nành điều hòa chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, giúp cân bằng lượng oestrogen tự nhiên trong cơ thể, giảm các cơn đau, chảy máu nhiều hay các triệu chứng khác của viêm niêm mạc tử cung, ung thư vú. Đậu nành cũng giúp cơ thể điều chỉnh lượng oestrogen khi lượng hormon này giảm dần hay những thay đổi bất thường gây ra nhiều triệu chứng của thời kỳ mãn kinh. Sữa chua làm từ đậu nành là món ăn dễ chế biến, mời các bạn tham khảo.

- Làm từ hạt đậu nành: đậu nành loại ngon 200g ngâm nước ấm 20-30oC trong 6-8 giờ, sau đó đãi sạch vỏ, dùng máy xay nhuyễn cùng với 1 lít nước, lọc bỏ bã. Đường trắng 70g (lượng đường tùy khẩu vị mỗi người). Sữa đặc 1 chén nhỏ hoà tan với một chút nước.

Cách làm: hoà nước đậu, đường trắng và sữa đặc với nhau, rồi đun sôi khoảng 5 phút thì nhấc xuống. Khi sữa nguội còn 30-40oC thì cho men lactobacillus 20g (mua ở cửa hàng bán phụ gia thực phẩm, nếu không có thì dùng sữa chua để cho chua thêm 1 ngày rồi hãy dùng) đánh thật nhuyễn vào. Đổ sữa vào cốc sạch, rồi xếp vào 1 chiếc nồi to, rót 1 ít nước nóng khoảng 50oC vào nồi sao cho ngập 2/3 cốc sữa là được rồi đậy vung kín lại để nguyên như thế. 3 - 4 giờ sau sữa đông đặc thì lấy ra cho vào tủ lạnh. 1 giờ sau là ăn được. Có thể bảo quản sữa trong tủ lạnh 1-2 ngày.

- Làm từ bột đậu nành: bột đậu 80g, đường trắng 50-70g, men (lacctobacillus) 20g, sữa đặc 1 chén nhỏ hoà tan với một chút nước, nước sạch 1 lít.

Cách làm: hòa tan bột đậu nành sống trong nước ấm 30-35oC rồi lọc qua vải phin mỏng. Sau đó tiếp tục làm như trên.

Sữa chua đậu nành có màu trắng, đông mịn, đều từ đáy cốc lên mặt sữa, vị hơi chua, béo ngậy. Đây là món ăn dễ hấp thu, giúp giữ thế cân bằng của các vi khuẩn ở ruột, thích hợp với trẻ em, người già và những người bị rối loạn tiêu hóa.